Sự cố môi trường là gì? Nội dung ứng phó sự cố môi trường

Sự cố môi trường là gì? Nguyên nhân gây ra sự cố môi trường?

Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc do biến đổi bất thường của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng (Khoản 14 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2020).

Nguyên nhân gây ra sự cố môi trường có thể do tác động của con người trong quá trình sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt (như thải chất thải độc hại vào nguồn nước, nguồn đất; chặt cây, phá rừng, nổ mìn phá núi, đào hồ, xây đập thủy điện…) hoặc do sự biến đổi bất thường của tự nhiên như lũ quét ở miền núi, lũ lụt ở đồng bằng, hạn hán, động đất…

 Để phòng ngừa sự cố môi trường, chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm như thế nào?

Nhằm ngăn ngừa sự cố môi trường xảy ra, Khoản 1 Điều 122 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm thực hiện các nội dung sau đây:

– Thực hiện yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật;

– Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phòng ngừa sự cố môi trường như thế nào?

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phòng ngừa sự cố môi trường được quy định tại Khoản 2 Điều 122 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như sau:

– Điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra trên địa bàn;

– Xây dựng cơ sở dữ liệu và lập, công khai thông tin về các nguồn có nguy cơ gây ra sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

– Xây dựng và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trên địa bàn.

Có các cấp sự cố môi trường nào?

Việc phân cấp sự cố môi trường được căn cứ vào phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường tại thời điểm phát hiện sự cố để xác định cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó, bao gồm các cấp sau đây (Điều 123 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020):

  • Sự cố môi trường cấp cơ sở là sự cố môi trường có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
  • Sự cố môi trường cấp huyện là sự cố môi trường vượt quá phạm vi sự cố cấp cơ sở và có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trong địa bàn của một đơn vị hành chính cấp huyện;
  • Sự cố môi trường cấp tỉnh là sự cố môi trường vượt quá phạm vi sự cố môi trường cấp huyện và có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trong địa bàn của một đơn vị hành chính cấp tỉnh;
  • Sự cố môi trường cấp quốc gia là sự cố môi trường có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường xuyên quốc gia.

 Ứng phó sự cố môi trường gồm các giai đoạn nào? Việc tổ chức diễn tập ứng phó sự cố môi trường được quy định như thế nào?

* Ứng phó sự cố môi trường gồm 03 giai đoạn sau:

  1. Chuẩn bị ứng phó sự cố môi trường;
  2. Tổ chức ứng phó sự cố môi trường;
  3. Phục hồi môi trường sau sự cố môi trường.

* Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố môi trường được thực hiện như sau:

– Diễn tập ứng phó sự cố môi trường cấp cơ sở được thực hiện ít nhất 02 năm một lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

– Diễn tập ứng phó sự cố môi trường cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia được thực hiện theo kế hoạch ứng phó sự cố môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

– Diễn tập ứng phó sự cố môi trường phải có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, lực lượng có liên quan, đại diện đầu mối liên lạc của cộng đồng dân cư, các cơ sở xung quanh có khả năng bị ảnh hưởng do sự cố gây ra.

 Ứng phó sự cố môi trường bao gồm những nội dung chủ yếu gì?

Ứng phó sự cố môi trường bao gồm các nội dung chủ yếu sau (Khoản 3 Điều 125 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020):

– Xác định nguyên nhân sự cố môi trường; loại, số lượng, khối lượng chất ô nhiễm bị phát tán, thải ra môi trường;

– Đánh giá sơ bộ về phạm vi, đối tượng và mức độ tác động đối với môi trường đất, nước, không khí, con người và sinh vật;

– Thực hiện các biện pháp cô lập, giới hạn phạm vi, đối tượng và mức độ tác động; thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn cho con người, tài sản, sinh vật và môi trường;

– Thu hồi, xử lý, loại bỏ chất ô nhiễm hoặc nguyên nhân gây ô nhiễm;

– Thông báo, cung cấp thông tin về sự cố môi trường cho cộng đồng để phòng, tránh các tác động xấu từ sự cố môi trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *